Phát triển du lịch ẩm thực: Tiềm năng và thách thức cho Ninh Bình

Ninh Bình – Điểm Đến Mới Trên Bản Đồ Ẩm Thực Việt Nam

Lễ hội ẩm thực Du lịch Ninh Bình hàng năm thu hút đông đảo đơn vị, doanh nghiệp tham gia.
Lễ hội ẩm thực Du lịch Ninh Bình hàng năm thu hút đông đảo đơn vị, doanh nghiệp tham gia.

Với sự kết hợp của ba nền ẩm thực phong phú từ Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình mới đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc gia. Không chỉ có danh thắng, di sản, vùng đất này còn níu chân du khách bởi những hương vị khó quên.

Nhiều người đẹp quốc tế bày tỏ ấn tượng khi thưởng thức món nem dê Ninh Bình.
Nhiều người đẹp quốc tế bày tỏ ấn tượng khi thưởng thức món nem dê Ninh Bình.

Bức tranh ẩm thực của vùng đất này là một bức tranh đa sắc, với sự kết hợp của ẩm thực Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Ẩm thực Hà Nam mang đậm tính dân dã, thiên về các món chế biến từ nông sản đồng bằng. Ninh Bình với địa hình bán sơn địa, có những món ăn đậm chất núi đá vôi như thịt dê, cơm cháy, ốc núi, gỏi nhệch, nem chua… Hương vị ở đây thường mạnh, sử dụng nhiều gia vị dân dã như sả, gừng, riềng, tương ớt tạo nên đặc trưng riêng, mộc mạc mà cuốn hút. Nam Định lại sở hữu nền ẩm thực có chiều sâu lâu đời, nổi bật với các món bún như bún chả, bún riêu, phở bò gia truyền.

“Phở Nam Định” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Phở Nam Định” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Trương Nam Thắng, Chuyên gia du lịch, đánh giá về bức tranh ẩm thực của vùng đất này rằng: “Ba vùng đất Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đều có bản sắc văn hóa, vị trí địa lý tương đồng với khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình bao gồm cả núi non, trung du, đồng bằng, sông ngòi, đầm lầy, ven biển… Nơi hội tụ nhiều loài thực vật, động vật đa dạng, phong phú, tạo nên nguồn nguyên liệu tự nhiên cho ẩm thực.”

Để khai thác đúng giá trị văn hóa ẩm thực, cần có chiến lược bài bản, quy hoạch phát triển ẩm thực gắn với du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, công nghiệp văn hóa. Trung bình mỗi du khách sẽ chi tiêu khoảng 1/3 cho nhu cầu ẩm thực, vì vậy việc khai thác đúng giá trị văn hóa ẩm thực sẽ góp phần định vị rõ nét thương hiệu ẩm thực vùng đất này, đồng thời gia tăng giá trị, tăng thời gian lưu trú.

Sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, tỉnh Ninh Bình mới có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ẩm thực. Thời gian qua, ngành Du lịch và các địa phương đã chú trọng khai thác văn hóa ẩm thực để thúc đẩy du lịch phát triển.

Nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết, người sáng lập thương hiệu “Phở Xưa” Nam Định, kỳ vọng vào việc xây dựng Ninh Bình trở thành một “kinh đô ẩm thực” trong tương lai không xa.

PGS.TS Trần Đức Thanh, Chuyên gia du lịch, đề xuất cần nghiên cứu lập “Bản đồ ẩm thực Ninh Bình mới” gồm danh mục món ăn, làng nghề, địa chỉ thưởng thức, nghệ nhân chế biến. Dữ liệu này cần số hóa để cập nhật liên tục và phục vụ quảng bá. Bên cạnh đó, cần gắn ẩm thực với du lịch và trải nghiệm bằng cách tổ chức các tour ẩm thực chuyên đề kết hợp với trải nghiệm làm món ăn cùng nghệ nhân, người dân.

Ninh Bình mới không chỉ sở hữu những di sản vang danh mà hoàn toàn có thể trở thành trung tâm ẩm thực đặc sắc của vùng và cả nước. Khi những giá trị ẩm thực được kết nối, khai thác đúng cách, vùng đất cổ này không chỉ làm hài lòng thực khách trong nước mà còn có cơ hội “xuất khẩu khẩu vị” ra thế giới, góp phần nâng tầm du lịch, văn hóa và kinh tế địa phương.